Thế kỷ XX đầy biến động, được biết đến là một trong những chương thử thách nghiệt ngã nhất của lịch sử nhân loại. Chính trong hoàn cảnh đó đã xuất hiện những anh hùng kiệt xuất, danh tướng tài ba, mà qua những việc làm vĩ đại của họ đã góp phần làm thay đổi dòng chảy của lịch sử. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng chính là một trong những vĩ nhân như thế.
Ông được đánh giá là một thiên tài quân sự lỗi lạc trong thời đại Hồ Chí Minh, Vị tướng của Nhân dân, Danh tướng vì Hoà bình. Cả cuộc đời “Dĩ Công Vi Thượng” với sự nghiệp cách mạng lẫy lừng đã đưa ông trở thành tiếng đàn huyền thoại mãi ngân vang “giai điệu Tổ quốc” bất tận trong ngôi đền linh thiêng của lòng Dân, đất Việt!
MV "Tiếng đàn Huyền thoại Võ Nguyên Giáp
Chính vì vậy, chỉ trong vòng 15 phút, sau khi bàng hoàng nghe tin Đại tướng về với cõi Bác Hồ vào ngày 04/10/2013, với tình yêu thương vô hạn dành cho vị tướng của Nhân dân, nhạc sĩ, Thiếu tướng An Thuyên đã sáng tác ca khúc “Tiếng đàn" đầy xúc động.
Theo đó, “Tiếng đàn” được viết ở giọng Đô thứ với cấu trúc hai đoạn đơn. Đoạn một bao gồm hai câu nhạc, được bắt đầu bằng giọng chủ Đô thứ và kết ở bậc V(Sol).
Ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ được cất lên nhẹ nhàng, sâu lắng, đọng lại trong lòng người nghe nỗi nhớ, niềm xót thương vị tướng dân tộc. Một ngày mùa thu, tiếng đàn buông lơi và những giọt nắng cũng như ngừng rơi. Tất cả lặng yên tiễn biệt Đại tướng về với đất mẹ.
Một không gian "phố phường Hà Nội, một ngày ngừng gió" man mác buồn. Mô típ tiết tấu chủ đạo được xuất hiện và xuyên suốt cho đến cuối bài, tạo được cảm giác khoan thai, bay bổng tựa như những ngón tay lướt nhẹ trên phím đàn.
Nhạc sĩ, Thiếu tướng An Thuyên
Nhạc sĩ An Thuyên rất tinh tế khi đẩy đoạn cao trào của tác phẩm bằng những câu điệp khúc dồn dập qua bốn lần nhắc đến “Tiếng đàn” với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Mở đầu là tiếng đàn vị tướng: "mười ngón tay thô, lướt trên thăng trầm, trắng đen cuộc đời, vinh quang cay đắng cây đời vẫn xanh"; tiếng đàn đồng chí: "rạng rỡ non sông, áo xanh bạc màu, thủy chung đồng đội, vào sinh ra tử ấm tình Anh Văn", tiếng đàn Tổ quốc: "toàn thắng reo ca, cánh chim ngang trời vẫn không biết mỏi, vẫn mơ ước sống lo nhiều cho dân"; tiếng đàn Đại tướng: "trời đất yêu thương, khóc cho dân tộc khuất xa một người rạng danh trung hiếu sáng ngời muôn sau"…
Bốn "tiếng đàn" được nhắc đi nhắc lại khiến cho người nghe có cảm giác không có sự mất mát đau thương nào. Tất cả nhường chỗ cho những âm thanh trong trẻo của chiều thu Hà Nội. Đại tướng vẫn khoan thai ngồi đó bên cây đàn quen thuộc như bao ngày. Tiếng đàn thăng trầm của cuộc đời, để lại niềm tin yêu tuyệt đối cho toàn dân, toàn quân. Tiếng đàn của hồn thiêng sông núi với những chiến công lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu. Tiếng đàn đồng vọng thôi thúc quân dân sống trọn vẹn nghĩa tình với nước non.
Ngân vang tiếng đàn Huyền thoại Võ Nguyên Giáp!
Tiếng đàn cũng chính là hiện thân cuộc đời và sự nghiệp cách mạng lẫy lừng của Đại tướng: “Đàn ngân nhân nghĩa sáng ngời, đàn ngân tri thức cao vời, danh tướng muôn đời rạng rỡ Việt Nam”
Tiếng đàn cũng chính là tiếng lòng thổn thức của nhân dân tiếc thương Người: “Đàn ngân thương tiếc vô cùng, đàn ơi nước mắt tuôn trào, đất nước nhớ Người vì nước quên thân”.
Ca khúc được khép lại bằng giai điệu hào hùng với những nốt cao ngân dài như "tiếng đàn" vút cao vang vọng mãi sự ngợi ca, tri ân công đức của Đại tướng đã góp phần làm nên “vinh quang Tổ quốc Việt Nam”.
Nhạc sĩ An Thuyên đã rất thành công khi mượn hình ảnh tiếng đàn để nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người vĩ đại, người anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tiếng đàn huyền thoại Võ Nguyên Giáp là tiếng đàn của một cuộc đời bình dị với những nốt thăng, nốt trầm, nốt trắng, nốt đen. Cả cuộc đời vinh quang của ông đã hiến dâng trọn vẹn cho dân tộc, đã để lại cho đời “những bản tình ca bất diệt” về chủ nghĩa anh hùng cách mạng thông qua những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc sánh cùng chiến thắng: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa...
"Tiếng đàn" còn gợi lại trong chúng ta về lời dặn của Bác Hồ năm xưa. Trong một lần, Bác Hồ nghe Đại tướng đánh đàn piano nhiều bản nhạc Việt Nam và quốc tế, nhưng chưa đánh được bài “Kết đoàn”, Bác đã nói: “Đánh giặc, chú đã đánh cả trận to lẫn trận nhỏ. Đánh đàn, chú phải đánh cả bài khó lẫn bài dễ mới là giỏi. Bài “Kết đoàn” ai cũng hát, chưa đánh được bài “Kết đoàn” thì chưa giỏi”. Bài ca “Kết đoàn” còn có hàm ý Bắc - Nam chưa thống nhất một nhà, non sông chưa quy về một dải. Đó là tiếng đàn còn trăn trở trong lòng Đại tướng bao năm chưa kịp hoàn thành thì Bác đã đi xa. Cũng giống như nỗi niềm sau này khi Nam Bắc đã “Kết đoàn” mà dân chưa thực sự giàu, nước chưa thực sự mạnh sánh vai được cùng các cường quốc năm Châu theo di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu!
NSƯT Hương Giang và Ca sĩ Mai Nguyễn Anh
Tác phẩm “Tiếng đàn" mang giai điệu âm nhạc mộc mạc gần gũi giúp người nghe dễ dàng tiếp cận. Tác phẩm nhờ đó cũng dễ đi vào lòng người như chính tình cảm thiết tha của triệu triệu trái tim con dân Đất Việt với vị tướng huyền thoại còn sống mãi trong lòng dân tộc.
Là hai nghệ sĩ - chiến sĩ có chung niềm tự hào thiết tha về người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, NSƯT Hương Giang - Giảng viên Thanh nhạc Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội và Ca sĩ Mai Nguyễn Anh - Đoàn Văn công Quân khu 2 đã thể hiện cách hát tinh tế, bay bổng khi sử dụng kỹ thuật hát Legato như thể hiện một bản Romance thực thụ khiến cho giai điệu của tác phẩm càng thêm sâu lắng, trữ tình.
MV "Tiếng đàn Huyền thoại Võ Nguyên Giáp được nhiều cơ quan báo chí giới thiệu nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chính điều đó, đã góp phần làm cho “Tiếng đàn” không chỉ là khúc bi tráng bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân trước sự ra đi của một nhân cách lớn, là giai điệu tự hào về Vị tướng huyền thoại đã lãnh đạo Quân đội ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà còn là khúc tráng ca tự hào Tổ quốc Việt Nam vinh quang đã sinh ra những anh hùng dân tộc, vị tướng kiệt xuất như Đại tướng Võ Nguyên Giáp!
VXN
Link nội dung: https://saoviet.vip/nsut-huong-giang-va-ca-si-mai-nguyen-anh-ra-mat-mv-ve-dai-tuong-vo-nguyen-giap-a260.html