Với chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam” và sự tham gia của gần 1000 nghệ sĩ, diễn viên đến từ ba miền, Chương trình nghệ thuật đặc sắc này, được truyền hình trực tiếp trên VTV1, truyền hình Hậu Giang, tiếp sóng trên truyền hình các địa phương trong cả nước và được 14 hãng truyền thông quốc tế đăng ký đưa tin.
Không khí sân khấu tại một buổi hợp luyện
Theo Ban Tổ chúc, diễn ra ngay sau phần phát biểu khai mạc Festival của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, là chương trình sử thi nghệ thuật với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi của ba miền: Ca sĩ Trọng Tấn, NSƯT Hương Giang, Ca sĩ Cẩm Ly, Ca sĩ Trịnh Núi (Giải nhất Sao Mai dòng nhạc nhẹ 2022), Ca sĩ Lê Minh Ngọc (Giải nhất Sao Mai dòng dân gian 2022), Rapper Phong WinDy, Nghệ sĩ Như Ý (Quán quân Chuông vàng vọng cổ 2023), Nghệ sĩ Thanh Nhường cùng CLB Sắc hồng Kid và Vũ đoàn Đồng chí; Biên đạo: NSND Thu Hà, Hoàng Huy, Tuấn Kiệt, Hồng Thoa, Ngọc Thanh, Ngọc Huyền.
Chương trình nghệ thuật được chỉ đạo nội dung bởi: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang; Cố vấn chương trình: Nhà báo Tạ Bích Loan; Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật: TS.NSND Thu Hà; Chỉ đạo sản xuất truyền hình: Võ Ngọc Văn Quân; Đạo diễn truyền hình: Phan Phước Thiện; Biên tập kịch bản truyền hình: Thế Long; Chủ nhiệm chương trình: TS. Nguyễn Thanh Sơn; Tổ chức sản xuất: Lý Hoài Thông; Đạo diễn âm nhạc: Phạm Việt Tuân; Đơn vị thực hiện: Công ty Cổ phần Truyền thông Quốc tế Expo; Dẫn chương trình: MC Đức Bảo (VTV3) và MC Kỳ Hương (VTV Cần Thơ).
Gần 1000 nghệ sĩ, diễn viên tham gia Chương trình nghệ thuật
Theo TS, NSND Thu Hà, Tổng đạo diễn Chương trình nghệ thuật cho biết, Chương trình nghệ thuật có kết cấu 3 chương: Chương I: Gieo hạt; Chương II: Gồng Gánh; Chương III: Mùa Gặt để khẳng định: Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó mật thiết với đời sống con người, làng quê Việt Nam và đã trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Cây lúa không chỉ là loại lương thực quan trọng nhất mang lại sự no đủ, mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Việt Nam.
Chương I với tên gọi “Gieo hạt” khẳng định Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, khí hậu ôn hòa, con người tài hoa, chịu thương chịu khó, tần tảo một nắng hai sương gìn giữ và phát triển những nguồn gen lúa gạo quý góp phần nuôi sống con người, tạo ra sự thịnh vượng ấm no cho nhân dân. Bằng nghệ thuật vũ đạo kết hợp với âm nhạc, hiệu ứng ánh sáng, video và các hoạt cảnh sân khấu hóa sẽ tái hiện lại khung cảnh các làng quê Việt thân thuộc. Ở đó, những dòng chảy văn hóa bất tận đã khẳng định sự gắn bó máu thịt giữa ruộng đồng, cây lúa với đời sống vật chất và tinh thần của con người.
TS, NSND Thu Hà, Tổng đạo diễn Chương trình nghệ thuật
Đặc biệt qua phóng sự “xứ sở của gạo quý” khẳng định với nền văn minh lúa nước lâu đời, cùng với sự vươn lên phát triển thịnh vượng của dân tộc Việt Nam là quá trình gìn giữ và phát triển ra nhiều giống lúa đặc sản quý hiếm cho nhân loại. Mỗi hạt thóc hạt gạo quý đã trở thành nguồn tài nguyên gen để tăng năng suất, chất lượng và góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Ngày nay, Việt Nam không chỉ được biết đến là một cường quốc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, mà còn là cái nôi sản sinh ra những dòng lúa gạo ngon nhất thế giới. Lúa gạo đã trở thành niềm tự hào của người Việt trong chiến lược đảm bảo an ninh lương thực góp phần chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững toàn cầu.
Chương II với tên gọi “Gồng gánh” mang thông điệp: Song hành với dân tộc Việt Nam, hạt gạo không chỉ góp phần nuôi sống biết bao thế hệ trong lúc nguy nan, mà còn gồng gánh cả dân tộc trải qua những bước thăng trầm của lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước oai hùng.
Cố vấn Chương trình Nhà báo Tạ Bích Loan
“Hạt gạo làng ta” giản dị và thân thuộc nhưng lại rất đỗi thiêng liêng, tự hào bởi sự kết tinh nhiều giá trị: “Có vị phù sa của sông Kinh thầy/Có hương sen thơm trong hồ nước đầy/Có lời mẹ hát ngọt bùi hôm nay”…như Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khái quát thành “hạt vàng làng ta”.
Trong phần này, các nghệ sĩ của Vũ đoàn Đồng chí với sự hỗ trợ của âm nhạc, vũ đạo sẽ tái hiện hoạt cảnh hạt gạo theo chân người chiến sĩ cùng dân tộc chiến đấu và chiến thắng qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong thế kỷ 20. Hạt gạo đã trở thành biểu trưng cho tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia vượt khó vươn lên của cộng đồng để đưa cả dân tộc tiến về phía trước với tương lai tươi sáng. Hạt gạo không chỉ được biết đến là “ngọc thực” cao quý trên đời, mà còn kết tinh những giá trị văn hóa tinh thần thiêng liêng của những con người mang trong mình niềm tự hào là con Lạc cháu Rồng.
Đặc biệt trong phần này, Ca sĩ Trọng Tấn, Ca sĩ Cẩm Ly, NSƯT Hương Giang cùng Vũ đoàn Đồng chí thông qua các nhạc phẩm “Tình yêu của Đất và Nước”, “Hương lúa miền Nam” và “Đàn Sáo Hậu Giang” sẽ đưa khán giả trở về với vẻ đẹp của những miền quê yên bình trên mọi miền Tổ quốc. Ở đó, có dáng chị, dáng mẹ tần tảo sớm hôm trên những cánh đồng bát ngàn lúa chín. Tình yêu quê hương, đất nước quện hòa trong tình yêu đôi lứa và khát vọng vươn lên của dân tộc. Tổ quốc ơi ta yêu người mãi mãi. Từ tình yêu đó đã giúp ta tạo nên vô vàn những kỳ tích dựng nước và giữ nước. Trên hành trình đầy yêu thương đó, chúng ta có quyền tự hào về cây lúa, một nhân tố góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế.
Chương III: “Mùa gặt” mang thông điệp: Với hạt gạo trong tay, chúng ta không ngừng nỗ lực phát triển, sáng tạo để hạt gạo phát huy nữa sự tinh túy và lan tỏa những giá trị trong đời sống.
Trong phần này, NSƯT Hương Giang, Ca sĩ Sao Mai Lê Minh Ngọc, Nghệ sĩ Thanh Nhường và Nghệ sĩ Như Ý, cùng Vũ đoàn đồng chí thông qua các nhạc phẩm “Hát về cây lúa hôm nay”, “Hạt gạo vươn xa” đưa khán giả đến với những khát vọng mới trong hành trình ngàn năm của cây lúa hôm nay. “Đường lớn đã mở đi tới tương lai, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”. Với phương châm đó, hiện nay, những nhà khoa học tài năng của đất nước đang ngày đêm say sưa nghiên cứu, triển khai các dự án với khát vọng tiếp tục nâng tầm hạt gạo Việt Nam trong tương lai.
Một số nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật
"Đặc biệt trong phần này, cũng là điểm nhấn quan trọng nhất của Lễ khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 là phát biểu của bà Carolyn Tuck - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định niềm tự hào: Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp gắn với văn hóa hàng ngàn năm trồng lúa gạo đã có những đóng góp tích cực trong tiến trình hòa bình, thịnh vượng của nhân loại. Ngày nay, Việt Nam đã trở thành một cường quốc xuất khẩu lúa gạo, một quốc gia đóng góp tích cực trong chiến lược đảm bảo an ninh lương thực góp phần chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững toàn cầu được Liên Hợp Quốc đánh giá cao. Cây lúa góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm và tiếp tục có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân nói chung, phát triển lúa gạo nói riêng để đóng góp tích cực hơn nữa vào tiến trình hòa bình, hữu nghị và sự thịnh vượng toàn cầu...”, TS, NSND Thu Hà cho biết.
Khép lại chương trình nghệ thuật là các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, những khúc tráng ca về vẻ đẹp của quê hương đất nước qua các nhạc phẩm: “Quê hương Việt Nam”, “Yêu Việt Nam” do Ca sĩ Sao Mai Trịnh Núi, Ca sĩ Sao Mai Lê Minh Ngọc, CLB Sắc hồng Kid cùng dàn hợp xướng và Vũ đoàn Đồng chí biểu diễn hứa hẹn sẽ làm nổi bật chủ đề của Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 - “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam”, góp phần để lại những ấn tượng tốt đẹp với cộng đồng quốc tế và nhân dân cả nước./.
Hơn 30 năm với vai trò Tổng đạo diễn, phó tổng diễn, biên đạo hàng ngàn chương trình lớn nhỏ, NSND Thu Hà đã để lại nhiều ấn tượng với công chúng yêu nghệ thuật cả nước. Trong những năm gần đây, giới nghệ thuật thường ví chị là nữ tướng sân cỏ, cầm chịch 3000 đến 4.000 quân “xanh đỏ tím vàng ” của nghệ thuật , với vai trò điều hành các chương trình lễ hội với quy mô lớn ở nhiều địa phương trong cả nước như: Seagame và Paragame 22, Năm du lịch Nghệ An, Thái Nguyên, Thái Bình, Festival Hoa Đà Lạt, Festival Biển Vũng Tầu. Lễ hội cội nguồn Lào Cai-Yên Bái - Phú Thọ, Chương trình Pháo Hoa quốc tế Đà Nẵng 2009, Canaval Hạ Long 2009, chương trình Cồng Chiêng Quốc tế Tây Nguyên 2009… Chường trình Festvail Hạ Long 2011, 2012, 2013.2014,2015, Lễ hội Làng Sen 2012, 2013, 2015, 2016, , 100 năm Komtum, Chương trình 350 năm Với vóc dáng nhỏ bé ấy không ai nghĩ rằng chị lại có thể điều khiển, điều hành hàng ngàn người một cách dễ dàng như vậy. Nếu ở sân khấu, chị đóng vai trò là người “kiến trúc ” thì ở sân cỏ, chị phải kiêm thêm nhiệm vụ kết cấu của người kỹ sư xây dựng. Với việc lắp ghép các mảng trong chương trình ngoài sự đòi hỏi cảm xúc nghệ thuật múa tinh tế còn đòi hỏi tư duy khoa học và kỹ năng sư phạm. Ở đây, ngẫu hứng của “Hà Biên Đạo” được giấu kỹ, nhưng trong “khúc giao mùa” của nghệ thuật biểu diễn hiên nay được làm việc trên sân cỏ bằng chuyên môn của mình để nuôi và tỏa sang những tác phẩm nghệ thuật là một cơ hội lớn không phải ai cũng làm được. |
Quyết Tuấn
Link nội dung: https://saoviet.vip/gan-1000-nghe-si-dien-vien-tham-gia-chuong-trinh-nghe-thuat-chao-mung-festival-quoc-te-lua-gao-2023-a310.html