MV “Thương Cha” do NSƯT Hương Giang thể hiện
Ngày của Cha hay còn được gọi với tên tiếng Anh là Father’s Day là ngày lễ tôn vinh những người làm cha. Tùy thuộc vào phong tục của nhiều nước mà ngày của Cha sẽ được tổ chức vào thời gian khác nhau. Tuy nhiên, ngày của Cha phổ biến nhất được tổ chức vào chủ nhật thứ 3 của tháng 6. Trong năm 2024, ngày của Cha sẽ rơi vào chủ nhật, ngày 16/06. Ở nước ta, Ngày của Cha cùng với Ngày Gia đình Việt Nam diễn ra vào 28/6 là dịp tôn vinh cho các thành viên trong gia đình.
Bằng cảm xúc chân thành của một người con, Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã khái quát những tình cảm cha con thiêng liêng, xúc động bằng những ngôn từ, giản dị, giàu hình ảnh làm nổi bật thông điệp về sự tôn vinh tình cha, sự hy sinh của cha trong cuộc sống. Sự cống hiến, nhẫn nại, và tình yêu thương vô điều kiện của cha đối với con cái. Bài thơ còn thể hiện sự biết ơn và lòng hiếu thảo của người con đối với người cha, và khẳng định rằng dù có bão giông, gian khổ, thì tình thương của tình cha vẫn mãi mãi vững bền bên con. Đồng thời, bài thơ cũng là lời nhắc nhớ phận làm con phải luôn biết trân trọng những lời dạy bảo, hy sinh của cha để không ngừng học tập rèn luyện vững vàng trong cuộc đời.
Với thương yêu người cha vô bờ bến và cũng là tâm hồn giàu lòng trắc của một người cha, Nhà thơ Nguyễn Đăng Đô trong bài thơ này, đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật để truyền tải cảm xúc sâu sắc về tình cha. Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh: "Giọt nước mắt chảy theo năm tháng" tượng trưng cho nỗi đau và sự hy sinh không ngừng của người cha qua thời gian; "Mồ hôi cha thấm ướt cả cuộc đời" thể hiện sự làm việc vất vả và cống hiến của người cha suốt cuộc đời; "Dáng cha gầy đứng ngược chiều gió táp" biểu thị sự chịu đựng và bảo vệ của người cha trước những khó khăn của cuộc sống. Tác giả đã khéo léo dùng cụm từ "đứng ngược chiều gió táp" giúp so sánh sự kiên cường của người cha với việc đứng vững trước khó khăn, bão táp cuộc đời, đến việc khai thác phép ẩn dụ khi diễn tả nỗi miền của cha "Nặng nhọc âu lo đằng đẵng khôn nguôi" để nói về những gánh nặng và lo âu mà người cha phải đối mặt mà không thể bày tỏ hay "Bão giông đắng chát phận người" để ẩn dụ cho những thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Nghệ thuật nhân hóa cũng được tác giả quan tâm khai thác triệt để khi miêu tả "Thời gian đi qua nước mắt, nụ cười" cho thấy sự từng trải của cuộc đời cả niềm vui lẫn nỗi buồn trong cuộc sống.
Trong ca khúc "Thương Cha", bạn đọc không chỉ đặc biệt ấn tượng bởi những điệp ngữ "Cha ơi, cha ơi" để nhấn mạnh tình cảm sâu đậm và lòng biết ơn của con đối với cha hay "Thương cha, thương cha" nhằm khắc sâu hơn lòng yêu thương và kính trọng của người con đối với cha, mà còn bởi những ca từ giàu cảm xúc như "giọt nước mắt", "mồ hôi", "gầy", "gió táp", "nặng nhọc", "âu lo", "lặng lẽ", "nước mắt rơi", "bão giông", "đắng chát" đều gợi lên cảm xúc mạnh mẽ, làm tăng thêm tính cảm động và sâu lắng của ca khúc. Một đặc điểm không thể không nhắc đến trong nghệ thuật thi ca mang phong cách Nguyễn Đăng Độ chính là trong thơ đã có nhạc, tình nhịp điệu và âm vần rất rõ ràng. Ngay trong phần lời thơ đã có nhịp điệu chậm rãi, đều đặn, tạo nên âm hưởng buồn man mác và tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của người cha. Tất cả các thủ pháp nghệ thuật này kết hợp lại tạo nên một bài thơ đầy cảm xúc và sâu sắc, thể hiện tình yêu và lòng biết ơn đối với người cha một cách chân thực và cảm động. Đồng điệu với những dòng cảm xúc đó, nhạc sĩ Quang Hưng đã viết nên ca khúc “Thương Cha” với giai điệu sâu lắng trữ tình như một khúc tráng ca tri ân những người cha trong cuộc đời.
MV “Thương Cha” được Nhà báo Vương Xuân Nguyên trực tiếp đạo diễn và lấy bối cảnh ở Làng So (Quốc Oai - Hà Nội), một làng Việt cổ nằm ở ngoài thành Hà Nội đang thay ra đổi thịt trong quá trình xây dựng nông thôn mới đẹp giàu những vẫn thấm đẫm hồn quê đất Việt. Trong MV, NSƯT Hương Giang với giọng ca ngọt ngào, trong sáng đã kể lại câu chuyện tình cha con xúc động bằng âm nhạc. Một cô gái sau bao năm ăn học xa quê, nay thành đạt trở về quê cùng người bạn đời thăm cha trong một ngày hè oi ả. Nơi quê hương yêu dấu, sau bao năm cô vẫn bắt gặp hình ảnh người cha luôn ướt đầm mồ hôi “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” để đổi lại những niềm vui hạnh phúc cho con cái. Trong khung cảnh đó, bao ký ức tuổi thơ của chị ùa về bên vườn nho, mái đình quê gắn với cả một đời cha vất vả khiến chị nghẹn ngào thương cha vô bờ bến.
Trao đổi với PV, Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ cho biết những thông điệp của bài thơ “Thương Cha” của ông về tình cha con thiêng liêng trong cõi nhân sinh này. Tình yêu thương của cha đôi khi không thể hiện bằng những lời nói ngọt ngào, nhưng sự yêu thương đó luôn âm thầm và không bao giờ hết. Cha luôn là chỗ dựa vững chãi, là người dạy cho con những bài học đầu đời, âm thầm ủng hộ dù con thành công hay thất bại. Không phải người cha nào cũng nói được câu "Cha yêu con" ngọt ngào nhưng ánh mắt, tấm lòng của họ chưa bao giờ ngừng dõi theo từng bước con đi.
“Mong muốn tột cùng của mỗi người cha là luôn được nhìn thấy con cái mình trưởng thành, vững vàng bước vào đời, vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống trở thành người có ích cho xã hội, kiến tạo một gia đình ấm no hạnh phúc. Sự bao dung và hy sinh của người cha chính là tấm gương, là nguồn động lực để con cái luôn có chỗ dựa tinh thần vững chắc để thêm tin yêu cuộc sống và không những nỗ lực hoàn thiện bản thân mỗi ngày…”, Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ chia sẻ.
Một số hình ảnh trong MV “Thương Cha”
Hồng Phú
Link nội dung: https://saoviet.vip/nsut-huong-giang-ra-mat-mv-thuong-cha-huong-ung-ngay-cua-cha-nam-2024-a362.html