Nhưng vì có câu hỏi trên, rồi đọc lại mấy sự phản ứng khá gay gắt của ca sĩ Khánh Ly (và ca sĩ Thanh Thúy), tôi thử đặt vào địa vị mình, thì bỗng hiểu và chợt thông cảm hết với các ca sĩ - những người đã được hỏi, được tìm hiểu khá kỹ về đời riêng trước khi “hóa thân“ trên màn bạc, song những gì được nhìn thấy - nghe thấy sau đó lại không giống như những gì đã kể, đã miêu tả.
Lúc đầu, tôi cũng đồng quan điểm với một số người xem, rằng đây là phim hư cấu - fiction, người làm phim có quyền sáng tạo riêng, tạo ra một Trịnh Công Sơn của riêng êkip làm phim; và nếu 10 đạo diễn làm phim về Trịnh Công Sơn thì sẽ có 10 Trịnh Công Sơn khác nhau - theo cảm nhận riêng của từng đạo diễn, đó là quy luật của nghệ thuật điện ảnh - nhất là phim truyện.
Nhưng trước phản ứng cụ thể của ca sĩ Khánh Ly, ngẫm kỹ lại, tôi thấy ca sĩ này có lý. Vấn đề không phải là những chi tiết nghệ thuật về đời riêng Khánh Ly có tác dụng tôn vinh bà, hay hạ thấp bà, mà vấn đề ở đây là: các nhà làm phim đã vi phạm vào đạo đức lẫn pháp luật khi phá vỡ quyền bảo vệ thân nhân (tiểu sử) cùng những bí mật đời riêng!
Sao lại để đến cái nỗi ca sĩ phải than vãn: con cái tôi sẽ nhìn nhận, đánh giá về tôi ra sao trước những tình tiết - chi tiết này nọ mang tính bịa đặt, thậm chí trơ trẽn và thô bỉ nhằm câu khách?!
Chưa kể việc hư cấu đó mang tính nghệ thuật đến đâu, giá trị thẩm mỹ tác động tới đông đảo người xem thế nào, chỉ riêng điều xúc phạm tới sự thật lịch sử về một nhân vật đang sống sờ sờ sờ ra đó với mục đích thương mại, không được sự đồng tình của "nhân sự", cũng đã làm cho bộ phim công phu tốn kém này trở thành thứ phẩm, thậm chí là bằng cớ không chối cãi cho một vụ kiện cáo rất có thể xảy ra, vụ kiện cáo thực đáng xấu hổ với tất cả giới truyền thông và giới điện ảnh trong nước!
Ừ, ai cấm các bạn hư cấu, với những nhân chứng của Trịnh Công Sơn đang còn sống kia, sao các bạn không cho mang cái tên khác, danh xưng khác (Ví như Khánh Ly thành Khánh Huệ chẳng hạn; chữ Lys là hoa Huệ trong tiếng Pháp, gợi nhớ cuốn tiểu thuyết lãng mạn của nhà văn hiện thực Balzac: “Hoa huệ trong thung” - Le Lys dans la valée, cũng gợi cho ta tới giọng ca “vàng” của người nhạc sĩ trong thời còn bơ vơ giữa thung lũng cô đơn của tên tuổi, v.v).
Cách đây mấy chục năm, trong bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên” do Trung tâm Điện ảnh Trẻ chúng tôi sản xuất, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng đã khôn khéo thay tên hầu hết các nhân vật “vệ tinh” của nhân vật chính, nhưng có ai kêu ca phàn nàn gì đâu!?
Với riêng tôi, và một số đồng nghiệp, đây sẽ là bài học “xương máu” cho nghề nghiệp!